01
Ta bị ép gả cho Nhiếp chính vương, kẻ thù của cha ta – Triệu Tư Hành.
Ta thật sự không ngờ tới điều này, bởi vì cha ta có thể nói là hận Nhiếp chính vương đến tận xương tủy.
Ngày nào cha ta cũng mắng chửi hắn xối xả: “Kẻ coi mạng người như cỏ rác, ăn thịt người không nhả xương, máu lạnh vô tình”. Vừa nói vừa rơi hai hàng nước mắt trong suốt, ngửa đầu lên trời mà than: “Tiên đế ơi, thần thật tắc trách mà!”
Ài, không phải vì Nhiếp chính vương chinh chiến quanh năm hay sao, dẫn đến ngân khố của đất nước bị cạn kiệt, cuộc sống nhân dân lầm than.
Chuyện này khiến cho ngài Hộ bộ thượng thư là cha ta lo lắng vò đầu bứt tai, đêm ngủ không ngon, tóc cũng rụng ngày một nhiều hơn. Mỗi tối ta mang canh mè đen hà thủ ô đến phòng đọc sách, cha ta đều hỏi với giọng rầu rĩ: “Con ơi, tóc cha vẫn còn dày chứ?”. Ta không đành lòng nhìn tóc cha ngày một thưa dần, bình thản nói: “Cha đừng đùa nữa, cha uống bát canh này đi, muốn uống thêm vẫn còn đó”.
Thật ra cũng không thể trách Nhiếp chính vương, đánh giặc mà, sao tránh được chuyện tiêu tốn tiền của.
Vốn dĩ cha ta đã nghĩ thoáng rồi. Nhưng sau đó, tâm trạng ông liền sụp đổ.
Ngân khố đất nước càng ngày càng ít ỏi, Nhiếp chính vương vẫn không dừng lại, còn kêu gọi thu hồi đất đã mất, thừa thắng xông lên.
Cha ta không còn cách nào khác đành ở trong cung đứng ngồi không yên, cho rằng triều đình không thể yên bình. Lúc thì thỉnh cầu thái hậu nương nương cắt giảm chi tiêu trong hậu cung, khi thì kiến nghị giảm bớt bổng lộc của quan lại.
Cha ta còn nói công khai trong buổi chầu rằng ông tình nguyện quyên góp toàn bộ tài sản cá nhân để đóng góp vào ngân sách nhà nước. Vị hoàng đế 13 tuổi nhìn cha ta mà cảm động rơi nước mắt, ca ngợi tài đức và sự trung thành của ông.
Cha ta nhận được sự cổ vũ, càng ngày càng lún sâu hơn.
“Cha thật là hồ đồ!!! Cha nghĩ hai cha con ta, nha hoàn, thị vệ, đầu bếp đều không cần ăn cơm sao? Cha quyên góp hết tài sản trong nhà là sao vậy chứ?”
Cha ta đắc ý ngồi ì trên ghế bành, cười khà khà: “Lần này bọn họ ai cũng không thoát được, đều sắp bị ta nhổ sạch tóc rồi, không hổ là ta, không hổ là ta”.
Thật là làm người khác tức chết, ta nghĩ vẫn là nên đem bán một ít sách quý của cha đi, dù sao đồ đáng giá trong nhà cũng chỉ còn mỗi thứ này thôi.
Từ sau lần đó, các quan trong triều nhìn thấy cha ta là chạy, bãi triều là từng người một thi nhau xem ai chạy nhanh hơn, tất cả đều không muốn gặp cha ta.
Mà cha ta bây giờ ngày càng điên cuồng. Sau buổi chầu hễ bắt gặp ai cũng nhất quyết muốn đến nhà người ta ăn một bữa, lúc rời đi còn tiện tay lấy của người ta ít đồ. Nhưng buổi chầu hôm sau lại luôn miệng khoe khoang rằng hôm nay vị đại thần nào quyên góp món đồ gì, đúng là trời cao phù hộ cho triều đình chúng ta, người nào xứng đáng là vị quan hiền lương!
Ngày Nhiếp chính vương chiến thắng trở về, Hoàng đế và Thái hậu ra tận cổng thành đón hắn.
Các đại thần ngươi nhìn ta, ta nhìn ngươi rồi ôm đầu khóc rống, rơi những giọt nước mắt nghênh đón thật lòng, gương mặt hơi thiếu sức sống của Thái hậu cũng lộ ra vẻ tươi cười.
Hôm đó cảnh sắc tươi đẹp, Nhiếp chính vương một thân áo mũ cưỡi ngựa nghênh ngang, trên gương mặt lạnh như băng dường như cũng hiện ra nét cười nhàn nhạt.
Giây phút đó trong đầu ta chỉ còn lại một ý nghĩ:
“Nam nhi hà bất đới Ngô câu,
Thu thủ quan san ngũ thập châu.” (1)
(1): Câu thơ trong bài “Nam viên kỳ 05” của nhà thơ Lý Hạ. Dịch nghĩa:
Là thân trai sao lại không đeo kiếm Ngô câu?
Đặng lấy lại 50 châu bị quân Phiên chiếm.
Nguồn: Thi viện
Nhìn kỹ thì, mắt của Nhiếp chính vương lại là mắt một mí, đôi mắt phượng hẹp dài càng làm tăng thêm vài phần thâm hiểm ma mị cho hắn, nhưng ngũ quan góc cạnh lại hòa hợp với nét thâm sâu đó, trông hắn vừa lạnh lùng, cô độc lại vừa có khí thế bức người.
Nhiếp chính vương tàn nhẫn bạo ngược kia cũng có một vẻ tốt đẹp, ta cứ nghĩ là hắn phải trông như Quỷ La Sát cơ.
02
Tiểu Hoàng đế vung tay nhỏ: “Ban vàng…”
Cha ta vội vàng quỳ xuống: “Hoàng thượng~”
“Khụ, hoàng thúc đã lập được công lao hiển hách cho đất nước, đến nay ngài vẫn chưa thành thân, trẫm quả thực có lỗi! Nghe nói thái phó có con gái, dung mạo thanh tú, thật là xứng đôi vừa lứa!” Tiểu Hoàng đế chuyển chủ đề, Người không nhắc đến chuyện thưởng vàng, cha ta mới yên tâm.
Thái phó đầu gối run cầm cập, vội vàng quỳ xuống. Trong lòng nghĩ, đứa nhóc xấu xa này, Nhiếp chính vương giết người như cỏ rạ, ăn thịt người không nhả xương, con gái ta sao có thể chịu nổi, không được không được.
”Hoàng thượng, tiểu nữ nhà thần vụng về lóng ngóng, sống điêu ngoa buông thả, thật sự không xứng với Nhiếp chính vương đâu, thần lại nghĩ con gái của Đại lý tự khanh (2) cầm kỳ thi họa tứ nghệ tinh thông, mới xứng nên duyên vợ chồng với Nhiếp chính vương”. Thái phó điềm nhiên như không liếc quan Tự khanh một cái.
(2): Đại lý tự là một trong quan chế Lục tự. Đại lý tự là cơ quan có nhiệm vụ xét lại những án nặng đã xử rồi, như án về tử tội hay tội lưu rồi gửi kết quả cuộc điều tra qua bộ Hình để đệ tâu lên vua xin quyết định.
Nguồn: Wikipedia
Quan Tự khanh và Thái phó từ trước đến nay vẫn luôn không hợp nhau, vị Thái phó này đúng là khinh người quá đáng, quan Tự khanh quỳ xuống ngay tức khắc: “Hoàng thượng, Nhiếp chính vương tài trí hơn người, chỉ là con gái thần sức khỏe không tốt, không thể sống thiếu thuốc thang, về chuyện này… con gái thần thật sự là không sánh được với con gái Thái phó đâu!”
Tiểu hoàng đế không nói nên lời, quay đầu nhìn Lễ bộ thị lang: “Trẫm từng nghe mẫu hậu nhắc đến con gái của Lễ bộ thị lang, thông minh thanh tú, là người hiền lành?”
Lễ bộ thị lang thở không ra hơi: “Bẩm Hoàng thượng, thần cũng không dám lừa gạt”, Lễ bộ thị lang cắn chặt răng: “Con gái thần đã hứa hôn rồi”.
”Ồ, vậy sao? Hứa hôn với nhà nào, sao trẫm chưa bao giờ nghe ai nhắc đến?” Ánh mắt Hoàng thượng tràn đầy nghi hoặc, Lễ bộ thị lang không ngừng chảy mồ hôi lạnh.
Nhiếp chính vương chậm rãi cất lời: “Hoàng thượng, thần không hề nghĩ tới chuyện này, thần chỉ nguyện một lòng vì vận mệnh đất nước mãi mãi hưng thịnh, dù phải dành cả đời này thần cũng không thấy uổng phí”.
Hoàng đế thở dài: “Hoàng thúc đã có công chinh chiến giữ nước, vậy mà lại không có một ai bầu bạn bên cạnh sao? Trẫm thật sự thấy có lỗi với hoàng thúc“. Nói xong còn liên tục thở dài, không nói thêm lời nào nữa.
Cả sân chầu rộng lớn yên tĩnh một hồi.
Công bộ thượng thư tay cầm hốt bản (3) không kiêu không hèn nói: “Khởi bẩm bệ hạ, thần nghĩ nữ tử nhà Hộ bộ thượng thư Hứa đại nhân phong thái dịu dàng, bản tính hiền lành, gả cho Nhiếp chính vương chính là duyên trời tác hợp”.
(3): Hốt bản là vật được các đại thần dùng để đối đáp với Hoàng thượng trong buổi chầu thời cổ đại.
Thái phó nghe vậy liền tiếp lời: “Phải đó Hoàng thượng, sau khi thê tử qua đời Hứa đại nhân chưa từng tái hôn, thần nghe nói việc lớn nhỏ trong phủ đều do nàng lo liệu, có thể nói nàng đúng là một nữ tử không tầm thường”.
Nghe cha ta nói, ông quỳ ở sân chầu nghe các vị đại thần khen ta từ đầu tới chân, trong lòng cũng cảm thấy hơi tự hào, Thanh Uyển nhà ta đúng là tốt đẹp như thế. Cha ta nằm dài trên ghế bành uống canh mè đen hà thủ ô, nước miếng văng tung tóe kể lại cho ta.
“Sau đó thì sao cha?”
“Tiểu Uyển Nhi, Hoàng thượng nói phong con làm Vương phi của Nhiếp chính vương”.
“Cha!!! Cha nói gì cơ!”
Cha ta đứng dậy, đặt bát canh mè đen hà thủ ô lên trên bàn, rồi ngượng ngùng nhìn ta nói: “Tiểu Uyển Nhi, đã ăn lộc chúa, thì phải hết lòng với chúa (4), con đã hưởng vinh hoa phú quý bao nhiêu năm nay, cũng đến lúc trả ơn vua rồi.
(4): Nguyên văn câu nói của nhân vật Từ Thịnh trong cuốn “Tam Quốc Diễn Nghĩa”: “Đã ăn lộc chúa, thì phải hết lòng với chúa, việc gì mà sợ”.
Ta thở không ra hơi: “Sao cha lại nhẫn tâm như vậy, cha nhà người ta đều nghĩ cách bảo vệ con gái, cha thì hay rồi, cứ khăng khăng muốn đẩy con gái vào chỗ nguy hiểm”.
“Cha suốt ngày chỉ ở trong thư phòng tính toán đống sổ sách rách nát, cha nhìn xem trong phủ còn đồ gì đáng giá nữa không. Cha chỉ biết ngồi ở thư phòng, chẳng quan tâm đến việc gì khác, phủ thượng thư nếu không có con lo liệu đã sớm chết đói rồi. Cha thì tốt rồi, mấy năm gần đây chẳng lĩnh được chút bổng lộc nào, lương quan thì đem quyên góp hết vào ngân khố đất nước. Ngân sách nhà nước thiếu mấy đồng bạc này sao? Nhà chúng ta mới thiếu đó! Nếu như trong nhà không có một ít ruộng đất, cửa tiệm, toàn phủ ta từ trên xuống dưới đều sẽ chết đói. Cha thấy cha có tức cười không, có vị Hộ bộ thượng thư nào giống như cha trong nhà chỉ có bốn bức tường cơ chứ? Cha làm vậy ai sẽ biết ơn cha đây, họ còn nghĩ cha là kẻ ngốc ấy, bọn họ đều không nỡ gả con gái đi, mà cha lại muốn gả?”
Nước mắt không biết từ đâu rơi xuống: “Cha à, con chưa bao giờ trách cha, con biết cha một lòng với thiên hạ, đặt lợi ích tập thể lên trên lợi ích cá nhân, nhưng con cũng chỉ mới 16 tuổi, con cũng muốn cài trâm ngọc, muốn mặc váy nguyệt hoa (5), nhưng việc đối nhân xử thế, chuyện sắm sửa đáp lễ, văn chương bút mực có thứ nào là không cần dùng đến tiền đâu cơ chứ? Nha hoàn, thị vệ, quản gia, đầu bếp, một tháng họ được trả bao nhiêu tiền cha nào có biết?”
(5): Váy nguyệt hoa là trang phục truyền thống của nhà Minh, váy dài, phần eo có thắt dây lụa, váy xòe rộng và có nhiều kiểu dáng như váy xếp ly, váy đuôi phượng.
Vẻ mặt cha ta tràn đầy áy náy muốn tới gần xoa đầu ta, nhưng ta quay người đi không để ý ông: “Cha ơi, con chưa từng thấy cô nương nhà quan nào giống như con, cha nói con hưởng lộc vua, nhưng con chẳng qua chỉ có cháo trắng dưa cải ăn qua ngày, cha không nghĩ là con thực sự thích ăn mấy món đó đấy chứ? Tiền ăn uống may mặc con có thể không chấp nhặt nhưng chuyện đại sự cả đời của con cha lại không mảy may lo lắng chút nào. Cha à, tại sao các đại thần không gả con gái thì được, mà con lại nhất quyết phải làm vật hi sinh? Cha, tại sao người không thể suy nghĩ cho con một chút?”
Hai mắt ta đẫm nước mắt, ta chỉ nhận lại được một tiếng thở dài nặng nề: “Tiểu Uyển Nhi, là cha có lỗi với con”.



